Sản phẩm Rèm thông minh chiến thắng cuộc thi Hackathon STEM IOT 2016

25.06.2016
NDĐT- Sáng 25-6, tại Hà Nội, vượt qua nhiều ý tưởng khác, sản phẩm Rèm tự động của nhóm học sinh Thế Tôn – Hoàng Hải đã giành giải nhất cuộc thi Hackathon STEM IOT 2016 do Học viện STEM và Intel Việt Nam phối hợp tổ chức.
Sản phẩm Rèm thông minh chiến thắng cuộc thi Hackathon STEM IOT 2016

Hai học sinh đạt giải nhất cuộc thi.

Hai bạn Nguyễn Thế Tôn và Cao Hoàng Hải hiện đang học lớp 8 Trường Đoàn Thị Điểm và lớp 9 Trường Nguyễn Tất Thành, Hà Nội. Sản phẩm rèm tự động là một thiết bị có thể giúp tự động hóa rèm cửa nhằm đơn giản hóa tiện ích trong sinh hoạt hàng ngày. Sản phẩm sẽ biến chiếc rèm cửa đơn giản trở nên thông minh khi có thể tự động đóng mở khi có người bước vào phòng, có chức năng hẹn giờ tự động chào buổi sáng hoặc điều chỉnh ánh sáng cho phù hợp với căn phòng của bạn.

Hai giải nhì thuộc về nhóm Modern với sản phẩm Nhà kính thông minh và nhóm Brain Storm với sản phẩm Máy đo khí tượng thông minh.

Giải ba được trao cho ý tưởng Ngôi nhà thông minh của nhóm Dream Team, Cánh quạt tự động của nhóm Creeper và sản phẩm Mạch điện thông minh của nhóm Technology.

Cuộc thi Hackathon STEM IOT 2016 với chủ đề “Hành tinh thông minh”, lần đầu tiên được tổ chức bởi Học viện STEM và Intel Việt Nam nhằm thúc đẩy niềm đam mê khoa học kỹ thuật, khả năng tiếp cận công nghệ hiện đại trên thế giới của các bạn học sinh từ 11 đến 18 tuổi đang sống và học tập trên địa bàn TP Hà Nội.

10 nhóm học sinh tham dự cuộc thi đều đến từ các trường trung học ở Hà Nội như Chu Văn An, Marie Curie, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Tất Thành, FPT, Giảng Võ và Hà Nội – Amsterdam.

Trước đó, trong gần hai tuần, các bạn học sinh đã được tham gia vào một khóa huấn luyện STEM TUHOC IOT kéo dài trong vòng tám buổi tại Học viện STEM với các huấn luyện viên đã có kinh nghiệm hướng dẫn học sinh tham dự Hội thi Tin học trẻ toàn quốc.

Tại đây học sinh được đào tạo về kiến thức lập trình thông qua việc lập trình phần cứng nguồn mở Arduino; kiến thức, phương pháp tìm hiểu và sử dụng các Module phần cứng cơ bản trong bộ TUHOC và bộ nâng cấp tương thích với Genuino 101 mới nhất của Intel để thiết kế, xây dựng và sáng tạo một sản phẩm công nghệ ứng dụng IOT, như thiết bị thông minh, đồ vật thông minh (Điều khiển, nhận dạng, giám sát, cảnh báo,…).

Phương pháp học tập được áp dụng trong thời gian huấn luyện là phương pháp giáo dục STEM đang thịnh hành trên thế giới. Với phương pháp này, học sinh sẽ được trau dồi và phát huy những kỹ năng cần thiết cho thế kỷ 21 như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng cộng tác, kỹ năng làm việc theo dự án,… giúp học sinh phát triển toàn diện.

Ban Tổ chức hy vọng, Hackathon STEM IOT 2016 góp phần kiến tạo ra những ý tưởng ban đầu và thực thi các ý tưởng mới trước thềm các cuộc thi Khoa học Kỹ thuật trong và ngoài nước như Hội thi tin học trẻ, ViSEF, ISEF,…