Robotics cho trẻ em là cách chơi để học

02.11.2012
Sau Cuộc thi Robotics Quốc tế dành cho trẻ em 2012 diễn ra tại Hà Nội, dư luận hiện rất quan tâm đến việc đào tạo môn học này trong các trường tiểu học, trung học cơ sở. Ông Tô Văn Động – Giám đốc Sở Thông tin&Truyền thông (TTTT) Hà Nội đã có cuộc trao đổi về vấn đề này.

 Ông đánh giá thế nào về vai trò của ngành robot với Việt Nam, đặc biệt là trong tương lai?

– Theo dự báo, sau kỷ nguyên Internet sẽ là kỷ nguyên Robot. Trong vòng 20 năm nữa, mỗi người hay mỗi gia đình sẽ cần 01 robot thay cho 01 chiếc máy tính cá nhân như hiện nay.

Trong những năm vừa qua lĩnh vực Robot trên thế giới và tại Việt Nam đã có những tiến bộ rất đáng kể, Robot đã được ứng dụng trong rất nhiều ngành như công nghiệp, y tế, hỗ trợ người tàn tật… tối đa hóa các qui trình tự động hóa trong các hoạt động sản xuất, tăng năng suất lao động, đặc biệt trong các ngành công nghiệp độc hại. Bên cạnh đó, một trong những tiến bộ của Robot phải kể đến trong một vài năm trở lại đây là Robot dáng người (của Nhật Bản) với các thao tác uyển chuyển, khả năng thông minh như con người được ứng dụng trong y tế và hỗ trợ người tàn tật… cho thấy sự tiến bộ đáng kể trong công nghệ Robot tại Nhật Bản cũng như một số nước trên thế giới.

Tại Việt Nam, nghiên cứu phát triển Robot đã có những bước tiến đáng kể trong 25 năm vừa qua. Nhiều đơn vị trên toàn quốc cũng đã thực hiện các nghiên cứu cơ bản và ứng dụng Robot như Trung tâm Tự động hoá thuộc đại học Bách khoa Hà Nội, viện Điện tử – Tin học, học viện Kỹ thuật Quân sự, viện Cơ học,… và một số trường đại học.
Để có thể hội nhập và phát triển trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, Việt Nam đang đi theo hướng phát triển Robot, tự động hóa, cách mạng công nghệ… Để đáp ứng yêu cầu này, chúng ta cần có một cộng đồng rộng lớn các chuyên gia tâm huyết, có môi trường học tập và nghiên cứu lành mạnh, một chính sách vĩ mô hỗ trợ tri thức phát triển thích nghi được với quá trình “phẳng” hóa thế giới hiện nay.

Ông Tô Văn Động

– Đưa môn robot vào học ngay từ khi học sinh còn học lớp 1? Học có sớm quá, non quá? Theo quan điểm của ông, bà, có nên đưa vào dạy sớm trong điều kiện chương trình giáo dục tiểu học đã quá nặng?

– Robot là sản phẩm tích hợp cả khoa học và công nghệ với độ phức tạp cao. Để thiết kế và chế tạo được Robot, ta cần có các tri thức của toán học, cơ học, vật lý, điện tử, lý thuyết điều khiển, khoa học tính toán và nhiều tri thức khác. Nói đến định nghĩa này ai cũng nghĩ phải những học sinh ở cấp Đại học thuộc các ngành công nghệ mới có đủ khả năng học tập và theo đuổi ước mơ này.

Tuy nhiên, chúng ta nên nghĩ tuổi nhỏ làm việc nhỏ, các anh chị lớn theo đuổi những ước mơ hoài bão lớn như chinh phục vũ trụ, thiết kế người máy giống như con người,… thì tại sao chúng ta không vun đắp, ươm mầm những ước mơ này cho các bé ngay từ khi còn nhỏ thông qua việc làm quen với môn học Robot ở dạng đơn giản nhất như xếp hình và cho Robot di chuyển các bước tiến, lùi đơn giản. Đồng thời, với môn học này các em chơi mà học sẽ không làm quá tải mà ngược lại giúp các em giải trí lành mạnh sau các giờ học, giúp kích thích khả năng tự khám phá thế giới khoa học mà các em yêu thích.

– Giá trị môn học này mang lại? Ý nghĩa nhân văn của môn học robot?

– Việc học bộ môn Robotic còn mang lại cho các em học sinh những lợi ích sau: Có thể vận dụng các môn đã học như toán học, vật lý, tin học và Tiếng Anh; Xây dựng và hình thành các kỹ năng mềm như hoạt động nhóm, tự giải quyết các vấn đề trong môi trường học tập tích cực; Giúp các em học sinh trang bị hành trang tri thức mới, tự tin hòa nhập thế giới; Giúp cho trẻ phát huy, thể hiện sở thích, sở trường của bản thân, tạo sợi dây gắn kết bền vững trong gia đình, bố mẹ có điều kiện và cơ hội hiểu sở thích của trẻ hơn.

– Lãnh đạo Sở TTTT có ủng hộ môn học này trong nhà trường?

– Chúng ta cũng thấy rằng, ngay từ cấp mẫu giáo, môn học xếp hình, lắp ráp đồ chơi… đã là sở thích của rất nhiều bé. Vậy tại sao khi các bé bước chân vào cấp tiểu học, chúng ta không tiếp tục phát huy và cung cấp cho các cháu các kiến thức bài bản hơn?

Đồng thời, thực tế một số nước trong khu vực như Nhật Bản, Malaysia, Singapore… đã áp dụng thành công việc học môn học này ngay từ lớp 1, học sinh của chúng ta hoàn toàn có đủ khả năng để lĩnh hội giống như các bạn học sinh tại các nước này. Vì vậy, tôi cho rằng việc áp dụng môn học này vào nhà trường là rất đang hoan nghênh, giúp các em theo kịp các môn học tiên tiến và tự tin hòa nhập với các bạn học sinh quốc tế.

Dương Cầm