Robothon & WeCode 2019: Ngày hội đánh thức đam mê khoa học – công nghệ cho lứa tuổi măng non Việt

13.10.2019
Ngày 13/10/2019, đã diễn ra Ngày hội Robothon và WeCode 2019 do Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng cùng Công ty Cổ phần (CTCP) DTT EDUSPEC phối hợp tổ chức.

Đây cũng là năm thứ IX sân chơi công nghệ sáng tạo được tổ chức, thu hút hàng ngàn các bạn nhỏ và các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo có mặt tại Nhà thi đấu Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng).

Nối tiếp thành công của những năm trước, năm nay, Ngày hội Robothon và WeCode quốc gia được tổ chức từ ngày 5 đến 27/10 tại 4 thành phố lớn: Cần Thơ (5/10); Thành phố Hồ Chí Minh (20/10); Hà Nội (27/10).

Ban tổ chức cho biết, có 115 đội thi đấu Robotics và 92 học sinh thi đấu lập trình WeCode tới từ 4 thành phố tham dự Ngày hội.

Đà Nẵng là địa phương thứ hai của hành trình Ngày hội Robothon và WeCode 2019. Có 60 đội đến từ các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn thành phố chính thức tranh tài.

“FoodEffect 2050” – Nhận thức hôm nay về một tương lai thiếu hụt lương thực
Chủ đề năm nay là “FoodEffect 2050” (Công nghệ Nông – Lương 2050). Thông điệp của chủ đề lưu ý về khả năng thiếu hụt lương thực trong năm 2050, khi dân số toàn cầu ngày càng tăng, nhưng (diện tich) đất canh tác khó không mở rộng. Lúc này, hiệu suất sản xuất chính là lời giải cho bài toán lương thực tương lai.

Việc ứng dụng tự động hóa và robot vào sản xuất nông nghiệp trong vài thập kỷ qua đã chứng minh được tính đúng đắn khi giúp tăng đáng kể năng suất cây trồng.

Ngày nay, sự phát triển của công nghệ, tự động hóa và robot đã tham gia ngày càng sâu vào quá trình sản xuất lương thực, từ khâu gieo hạt, bón phân, đến làm cỏ, thu hoạch…, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm chi phí lao công, từ đó hạ giá thành sản phẩm. Không những vậy, tự động hóa và robot còn giúp giảm tác động xấu tới môi trường cũng như ngăn chặn tình trạng phá rừng làm đất nông nghiệp.

Với ý tưởng đó, nội dung môn thi Robotics được tập trung vào kỹ năng lập trình. Nếu muốn giành được số điểm cao nhất, các đội phải làm sao để robot biết gieo hạt giống chính xác vào ô hay thu hoạch quả; vận chuyển các kiện hàng và hoa quả tới khu vực silo (nơi chứa đựng nguyên liệu cần bảo quản) hoặc đưa chúng lên kho hàng; xác định và vận chuyển các máy móc nông cụ hư hỏng đến Trung tâm sửa chữa.

Đối với nội dung môn thi lập trình WeCode, nhiệm vụ của thí sinh được xác định là đưa ra các giải pháp kiến tạo một tương lai thực phẩm bền vững đến năm 2050.

Các em thể viết một trò chơi, một ứng dụng di động, hình hoạt họa hoặc viết một chương trình Windows, trong đó giới thiệu các thách thức của vấn đề lương thực tới năm 2050 và các giải pháp theo 3 hướng: (1) Giảm nhu cầu về lương thực và các sản phẩm nông nghiệp; (2) Tăng sản lượng lương thực mà không gia tăng đất nông nghiệp và (3) Bảo vệ và gìn giữ hệ sinh thái tự nhiên bền vững.

Căn cứ kết quả các đội dự thi tại Ngày hội Robothon và WeCode 2019, tại 4 thành phố, Ban Tổ chức sẽ lựa chọn, quyết định các đội đủ điều kiện đại diện đoàn Việt Nam tham dự Ngày hội Robothon và WeCode quốc tế 2019 (dự kiến tổ chức vào ngày 24/11/2019 tại Quảng Châu, Trung Quốc).

Môn thi Robotics có yêu cầu cao về kỹ năng lập trình. Các em phải giao nhiệm vụ cho robot thực hiện đúng theo yêu cầu và quy định.

Hành trình 10 năm phổ biến Giáo dục STEM tại Việt Nam
Với mong muốn tạo điều kiện cho trẻ tiếp xúc với giáo dục STEM chuẩn quốc tế, từ năm 2011, CTCP DTT -EDUSPEC đã phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo 4 thành phố là Hà Nội, Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng tổ chức hàng ngàn lớp học robot và lập trình.

Các lớp học này, ngoài việc dạy cho trẻ những kiến thức Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán, còn giúp trẻ phát triển những kỹ năng cần thiết , thuận lợi cho việc hướng nghiệp ở những bậc học cao như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng phản biện, kỹ năng thuyết trình và phát huy khả năng sáng tạo ở trẻ.

Cũng trong năm 2011, lần đầu tiên Việt Nam có đội tuyển tham dự cuộc thi Robotic quốc tế thường niên dành cho trẻ em diễn ra tại Jakarta Indonesia. Đó là các đại diện đến từ hai trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm và Tiểu học Ban Mai – Hà Nội.

Dù mới làm quen với chương trình giáo dục STEM trong một thời gian ngắn, nhất là môn học hoàn toàn mới: lắp ráp và lập trình Robot, song các bạn nhỏ Việt Nam đã thể hiện khả năng tiếp thu và ứng dụng xuất sắc.

Từ thành tích đã đạt được của đội tuyển Việt Nam năm 2011, ngày 24/7/2012 Ban tổ chức cuộc thi Robotics quốc tế DYA đã có thư ủy quyền cho CTCP Công nghệ DTT giữ vai trò đơn vị tổ chức Cuộc thi Robotics quốc tế dành cho trẻ em năm 2012 tại Hà Nội vào ngày 27 tháng 10 năm 2012. Đây cũng là lần đầu tiên cuộc thi Robothon được tổ chức tại Việt Nam.

Sau đó, Cuộc thi Robotics quốc tế nhanh chóng được CTCP Công nghệ DTT, sau này là CTCP DTT – EDUSPEC tổ chức tại các thành phố lớn của đất nước.
Với thành phố Đà Nẵng, đây là lần thứ 7 Ngày hội Robothon được tổ chức.

Ngày hội Robothon và WeCode 2019 cũng đánh dấu gần 10 năm phổ biến Giáo dục STEM tại Việt Nam.

“Thành quả mà chúng tôi có được là sự nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng và lợi ích của phương pháp giáo dục này, là sự tự tin và thành tích cao của học sinh Việt Nam khi tham gia thi đấu như Vô địch Robothon quốc tế các năm 2013, 2015, 2016; Giải Nhất Robothon quốc tế năm 2017; Vô địch Lập trình WeCode quốc tế các năm 2015, 2017, 2018…” – đại diện CTCP DTT – EDUSPEC chia sẻ.

Tại Đà Nẵng, cuộc thi đã xác định các danh hiệu:
Vô địch cuộc thi lập trình WeCode Đà Nẵng 2019:
Hạng mục Sơ cấp: Thí sinh ĐINH NGỌC HẰNG NGA ; trung cấp: thí sinh ĐÀO TRỌNG KIÊN và cao cấp: thí sinh NGUYỄN NGỌC PHƯƠNG THẢO, đến từ trường Tiểu học và THCS Đức Trí.

Ban Tổ chức trao giải cho các đội chiến thắng ở nội dung Robothon.

Vô địch Robothon 2019:
– NXT sơ cấp: Đội A3 với 2 bạn là Hồ Minh Nhật và Đỗ Anh Khoa của trường Tiểu học Lê Lai.
– NXT Trung cấp: Đội B2 với 3 bạn Trần Trinh Minh Trúc, Trần Huy Hoàng,Dương Hiển Gia Bảo của Tiểu học Lê Lai.
– Vô địch EV3 Sơ cấp: Đội C9 gồm các bạn Nguyễn Linh Đan,Trần Yến Cát Tiên,Lê Thái Vỹ Khang của trường Tiểu học và THCS Đức Trí.
– Vô địch EV3 trung cấp: Đội E8 gồm các bạn Hà Phan Bách Hợp, Võ Nam Sơn, Huỳnh Kim Phúc, trường tiểu học Lê Quý Đôn.
– Đội F11 trường Tiểu học và THCS Đức Trí, với 3 bạn Phùng Biện Duy Khang, Crepaldi Elio Huy, và Võ Đức Hiếu đã xuất sắc giành ngôi vô địch EV3 cao cấp.

Chung tay khơi dậy niềm đam mê khoa học và công nghệ cho học sinh từ nhỏ
Phát biểu tại Ngày hội Robothon và WeCode 2019, diễn ra tại Đà Nẵng, lãnh đạo Sở Giáo dục và đào tạo thành phố đã bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ từ DTT-EDUSPEC để các bạn học sinh Đà Nẵng nói riêng, học sinh nhiều tỉnh, thành phố Việt Nam nói chung, có được những sân chơi bổ ích mang đậm tính khoa học, kỹ thuật như thế này.

“Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hoá mạnh mẽ, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang đứng trước những cơ hội và thách thức. Sự thành công của mỗi quốc gia phụ thuộc vào ý tưởng và những kỹ năng mà công dân đất nước đó sở hữu. Những kỹ năng này là yếu tố cơ bản để có thể thay đổi thị trường, mô hình kinh tế và ưu thế cạnh tranh.

Hòa trong nhịp phát triển của công nghệ và sự sáng tạo, trong thế kỷ 21, đặc biệt là Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sẽ đòi hỏi nhiều hơn nữa lực lượng lao động được trang bị những kỹ năng có thể cạnh tranh trong thị trường toàn cầu. Các công việc trong lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (viết tắt là STEM) là những gì đáp ứng được nền kinh tế thịnh vượng, dựa trên tri thức.

STEM Robotics là môn học điển hình của giáo dục STEM và là một trong những Chương trình trong Giáo dục STEM được DTT – Eduspec triển khai tại Việt Nam nói chung và tại thành phố Đà Nẵng nói riêng. Ngày hội Robothon được tổ chức hằng năm chính là sân chơi vô cùng ý nghĩa, phù hợp với xu thế thời đại, khơi dậy sự đam mê khoa học và công nghệ cho học sinh ngay từ nhỏ” – Phó Giám đốc Giáo dục và đào tạo Đà Nẵng, ông Trần Nguyễn Minh Thành nhấn mạnh.

Ban Tổ chức trao giải cho các đội chiến thắng ở nội dung Robothon.

Phó Giám đốc Giáo dục và đào tạo Đà Nẵng, ông Trần Nguyễn Minh Thành (bìa phải) và đại diện Công ty Cổ phần DTT EDUSPEC trao giải cho các giành chiến thắng ở môn thi WeCode.