Ông Nguyễn Thế Trung có những khuyến nghị chiến lược rất đáng chú ý về IoT. Ảnh: H.L.A
Đó là về ứng dụng, còn từ góc độ công nghiệp thì hầu hết các hệ thống ở trên nếu dùng công nghệ IoT đều là của các DN nước ngoài, các DN trong nước cơ bản mới chỉ tập trung vào các ứng dụng trên nền tảng điện thoại di động, máy tính. Và đặc biệt, các thiết bị phần cứng thì hầu hết là nhập khẩu như camera, thiết bị rfid, các cảm biến hóa học.
Ngành công nghiệp CNTT Việt Nam khó còn cơ hội để chen vào lớp 1 trong hệ sinh thái công nghệ thông tin – truyền thông (ICT) (các nhà cung cấp thành phần cho các hạ tầng truyền thông) – nơi đã chật hẹp với các nhà cung cấp như Cisco, Huawei, HP, Dell… Đáng nói là các DN Việt Nam như VNPT, Viettel, MobiFone, FPT đã làm tốt ở lớp 2 (các nhà vận hành hạ tầng truyền thông) và vì vậy, sự tập trung của chúng ta sẽ là vào lớp 3 (nhà cung ứng nền tảng, ứng dụng, nội dung).
Trên thế giới, sự thay đổi tại lớp 3 đang dẫn tới những thay đổi mạnh mẽ tại lớp 1. Tại Việt Nam, những thay đổi này cũng đang diễn ra dù chưa trên toàn cục nhưng ở một lĩnh vực nhỏ hơn và theo một cách khác, đó là lĩnh vực chính quyền điện tử.
Trong mô hình này, Việt Nam đã làm chủ cả lớp 2 và lớp 3, vì vậy đã bắt đầu có những phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực chính quyền điện tử. Chính phủ đã lên kế hoạch để đến hết năm 2016 có được 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cho toàn quốc. Đây là một kế hoạch tham vọng, tuy nhiên nó khả thi vì các DN Việt Nam đã làm chủ được lĩnh vực này.
Mặc dù nền tảng phát triển chính quyền điện tử nguồn mở (OEP) mới chỉ được triển khai tại một số bộ, ngành, địa phương nhưng nó cũng đã góp phần tạo cú hích để các đơn vị khác có những đầu tư nghiêm túc vào các công nghệ trong chính quyền điện tử, ví dụ như Viettel, HCM Egov FrameWork,… Điều này là minh chứng cho sự hình thành hệ sinh thái sáng tạo trong chính quyền điện tử mà người sử dụng – chính quyền và người dân – đã ngày càng được hưởng lợi nhiều hơn. Việc chính quyền điện tử phát triển cũng đã tạo ra cơ hội để các công ty Việt Nam xuất khẩu ra thế giới.
Điều cần cải thiện trong mô hình phát triển chính quyền điện tử Việt Nam đó là sự thiếu vắng của các DN khởi nghiệp – vốn là nguồn lớn nhất của sáng tạo. Trong thời gian tới, nếu Chính phủ có những chính sách hợp lý, hoàn toàn có thể tạo ra sự bùng nổ sáng tạo của các DN khởi nghiệp để mang lại những ứng dụng, nội dung nhanh chóng và phù hợp với nhu cầu của người dân, DN. Chính quyền điện tử sẽ có hiệu quả hơn nhiều lần nếu có những ứng dụng trên điện thoại di động dễ dàng sử dụng, tương tác với chính quyền. Dữ liệu khi được chia sẻ (theo mô hình dữ liệu mở – open data) sẽ được các DN khởi nghiệp khai thác một cách sáng tạo để tạo ra các ứng dụng.
Nếu Chính phủ chưa tạo ra những cơ chế cho việc này thì các DN khởi nghiệp sẽ phải chờ đợi các DN tại lớp 3 phát triển các nền tảng cho phép họ truy cập, tích hợp và sử dụng dữ liệu một cách nhanh chóng. Điều này còn tùy thuộc vào thiện chí và năng lực của các DN ở lớp 3. Tuy nhiên, dẫu sao thì hệ sinh thái đã hình thành và đây chỉ là vấn đề thời gian.
Kinh nghiệm rút ra từ các phân tích trên cho thấy hiện nay, lớp 3 đóng vai trò quyết định trong việc phát triển hệ sinh thái sáng tạo tại Việt Nam.
Việt Nam có thể nội địa hóa các sản phẩm IoT tới đâu?