Hơn 200 “kỹ sư robot” nhí đua tài tại Ngày hội Robothon miền Bắc

06.11.2016
(Báo quốc tế) - 65 đội tuyển với hơn 20 học sinh tiểu học và trung học cơ sở tại Hà Nội và Hải Phòng đã cùng tham gia đua tài lắp ghép và lập trình robot trong ngày hội Robothon quốc gia được tổ chức tại Hà Nội ngày 5/11.

Thí sinh sẽ tranh tài lắp ghép và lập trình các robot để thực hiện các nhiệm vụ mô phỏng. (Ảnh: Cao Nhật)

Ngày hội Robothon được tổ chức hàng năm là sân chơi robot phổ biến dành cho lứa tuổi học sinh tiểu học và trung học tại Đông Nam Á, với mong muốn giúp học sinh được trải nghiệm và sáng tạo trong môi trường học tập tích cực để cùng nhau giải quyết các vấn đề thực tiễn trong cuộc sống.

Năm nay, ngày hội cấp quốc gia được phối hợp tổ chức bởi Sở Giáo dục & Đào tạo các thành phố sở tại và Học viện STEM, Công ty DTT Eduspec với sự tham dự của hơn 1000 phụ huynh và học sinh.

Các thí sinh tham gia tranh tài tại Ngày hội Robothon miền Bắc. (Ảnh: Cao Nhật)

Tham gia Ngày hội Robothon, các em học sinh được khuyến khích tinh thần học hỏi, khám phá để từng bước làm chủ công nghệ, ứng dụng khoa học ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Các đội tuyển đạt giải sẽ được đề cử để tham dự cuộc thi Robothon quốc tế tổ chức tại Malaysia vào ngày 4/12 tới đây.

Trong khuôn khổ cuộc thi, các thí sinh tham gia sẽ tranh tài lắp ghép và lập trình các robot để thực hiện các nhiệm vụ mô phỏng như thu nhận, trích xuất và phân phối dữ liệu, trích xuất thông tin, tích hợp hệ thống.

Năm 2015, Ngày hội Robothon quốc tế được tổ chức tại Việt Nam với sự góp mặt của 122 đội Robotics cùng 366 “kỹ sư robot” nhí đến từ các trường Tiểu học và Trung học của 4 nước Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Philippines. Chủ đề cuộc thi năm 2015 là “Bảo tồn sinh thái”, mô phỏng thực trạng về nạn phá rừng tràn lan gây ra nhiều vấn đề ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn cầu.

Ban tổ chức đã quyết định lựa chọn chủ đề của cuộc thi năm nay là Internet of Things (IoT) – Mạng lưới vạn vật kết nối Internet. Thời gian gần đây, IoT đã trở thành xu hướng công nghệ của thế giới, khi mà mỗi đồ vật, con người được cung cấp một định danh của riêng mình, và tất cả có khả năng truyền tải, trao đổi thông tin, dữ liệu qua một mạng duy nhất mà không cần đến sự tương tác trực tiếp giữa người với người, hay người với máy tính.

Hiểu một cách đơn giản, IoT là một tập hợp các thiết bị có khả năng kết nối với nhau, với internet và với thế giới bên ngoài để thực hiện một công việc nào đó. Việc kết nối có thể thực hiện qua Wi-Fi, mạng viễn thông băng rộng (3G, 4G), Bluetooth, hồng ngoại…Các thiết bị có thể là điện thoại thông minh, máy pha cafe, máy giặt, tai nghe, bóng đèn, và nhiều thiết bị khác.

Theo các nghiên cứu ước tính đến năm 2020, sẽ có khoảng 50 tỷ đồ vật kết nối vào Internet, thậm chí con số này còn gia tăng nhiều hơn nữa. IoT sẽ là mạng khổng lồ kết nối tất cả mọi thứ, bao gồm cả con người và sẽ tồn tại các mối quan hệ giữa người và người, người và thiết bị, thiết bị và thiết bị.

 

Kể từ năm 2010 đến nay, DTT Eduspec cũng như Học viện STEM đã nhận ra tầm quan trọng của Giáo dục STEM và quyết định đưa chương trình về Việt Nam, trong đó có bộ môn lắp ráp và điều khiển robot (Robotics) cho học sinh từ cấp Tiểu học. Trong những năm qua, Robotics đã được đưa vào hơn 100 trường học, đào tạo cho hơn 30.000 lượt học sinh tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh.

STEM là viết tắt của các từ Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kỹ thuật) và Math (toán học). Giáo dục STEM về bản chất được hiểu là trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Các kiến thức và kỹ năng này (gọi là kỹ năng STEM) phải được tích hợp, lồng ghép và bổ trợ cho nhau giúp học sinh không chỉ hiểu biết về nguyên lý mà còn có thể áp dụng để thực hành và tạo ra được những sản phẩm trong cuộc sống hằng ngày.