Học sinh Hà Nội thi tài lập trình sáng tạo
29.10.2016Ngày 29/10, tại Hà Nội, gần 60 học sinh lần đầu tiên tham gia Chung kết cuộc thi lập trình WeCode. Cuộc thi do Học viện STEM (Hà Nội) tổ chức. Sau cuộc thi này, các thí sinh đoạt giải sẽ tiếp tục tham dự cuộc thi quốc tế tổ chức tại Indonesia vào ngày 19/11 tới.
Cuộc thi nhằm thúc đẩy niềm đam mê lập trình của học sinh, giúp các em nâng cao khả năng lập trình và xây dựng những kỹ năng khác về phân tích, giải quyết vấn đề, qua đó học sinh sẽ phát triển được kỹ năng tích hợp khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM).
Ban tổ chức cho biết, các học sinh tham dự cuộc thi năm nay có độ tuổi chủ yếu từ 9-14, đến từ các trường tiểu học và trung học như Vinschool, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Tất Thành, Thăng Long Kidsmart, FPT và Lomonoxop. Tham gia cuộc thi, các học sinh thực hiện các sản phẩm phần mềm từ ngôn ngữ Scratch để thiết kế trò chơi games, chương trình giải trí hoặc phim hoạt hình.
Với chủ đề là “Giao thông công cộng” (Public Transport), năm nay, các thí sinh tập trung thiết kế các sản phẩm lập trình chương trình ngắn nhất 25 giây và có kích thước lớn nhất là 25 MB gồm các nội dung: Âm nhạc và nhảy múa (Music and Dance), Trò chơi (Games), Kể chuyện (Stories). Các sản phẩm lập trình sẽ thể hiện các ý tưởng của các em học sinh về việc làm sao để phát huy vai trò của giao thông công cộng, những lợi ích cũng như ý tưởng để cải thiện chất lượng dịch vụ hiện tại.
Chị Hiền, mẹ bé Nguyễn Hương Giang, lớp 6A2, Trường FPT (Hà Nội), thí sinh tham gia Cuộc thi, cho biết: Năm nay, con gái bắt đầu tiếp xúc với nội dung này nhưng bé khá hào hứng và sẵn sáng tham gia thử thách, vì thế, gia đình đã tạo điều kiện cho con thử sức. Việc tham gia cuộc thi lần này và hoạt động lập trình công nghệ sáng tạo như thế này cũng hoàn toàn theo sở thích của các con, thấy các con thích thì gia đình cho con tham gia. Theo chị Hiền, hoạt động này khá bổ ích vì giúp cho các con có tư duy sắp xếp logic, có tinh thần làm việc nhóm. “Thực ra, phương pháp giáo dục này không mới so với thế giới nhưng mới áp dụng ở Việt Nam trong vài năm gần đây, tôi nghĩ rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo nên em xét, nghiên cứu để có những thay đổi theo hướng mở, phù hợp với năng lực của trẻ” – chị Hiền nói.
Em Nguyễn Tiến Cường, học sinh lớp 7A3, Trường THCS Nguyễn Tất Thành, Hà Nội cho hay, từ sự giới thiệu của nhà trường, em thấy Cuộc thi này khá thú vị nên đã đăng ký tham gia. Trước đó, em đã được học và tiếp xúc với công nghệ sáng tạo. Cường cho biết em cùng với bạn của mình đã mất 2 ngày để hoàn thiện sản phẩm với thông điệp gửi gắm đến nhiều người là phải không ngừng củng cố ý thức khi tham gia giao thông trong bối cảnh dân số gia tăng và thực trạng giao thông đông đúc như hiện nay. Cũng theo Cường, các cuộc thi như thế này rất cần thiết bởi với hoạt động lập trình, cuộc thi không chỉ giúp em tư duy, làm việc nhóm mà còn củng cố thêm niềm đam mê cũng như ước mơ trở thành một lập trình viên tương lai của em.
Được biết, WeCode nằm trong chuỗi sự kiện Hội trại công nghệ số (Digital Campus) do Hiệp hội Y.O.U (Youth On Unity) tổ chức là cuộc thi lập trình quốc tế giữa các nhóm học sinh đại diện cho các trường Tiểu học, THCS tại các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Trước đó, năm 2015, cuộc thi quốc tế được tổ chức tại Malaysia với 136 đội đến từ 4 nước Đông Nam Á, trong đó, Việt Nam có 14 học sinh đến từ trường Tiểu học Vinschool và trường THCS FPT đã đạt được thành tích ấn tượng.
STEM là viết tắt của các từ Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kỹ thuật) và Math (toán học). Giáo dục STEM về bản chất được hiểu là trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Các kiến thức và kỹ năng này (gọi là kỹ năng STEM) phải được tích hợp, lồng ghép và bổ trợ cho nhau giúp học sinh không chỉ hiểu biết về nguyên lý mà còn có thể áp dụng để thực hành và tạo ra được những sản phẩm trong cuộc sống hằng ngày.
Học viện STEM là chuỗi trung tâm của Công ty Cổ phần DTT Eduspec, đơn vị triển khai giáo dục STEM tại Việt Nam theo hình thức Hợp tác Công tư (PPP) từ năm 2011. Trong 5 năm qua, được sự cho phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Học viện STEM đã mang đến cơ hội học tập cho hơn 30.000 lượt học sinh tại 300 câu lạc bộ tại 85 trường Tiểu học và Trung học cơ sở trên cả nước. |