Học sinh Hà Nội bất ngờ khi đến Ngày hội STEM 2017
17.05.2017Kinhtedothi - Nhiều em học sinh tiểu học thích thú khi Robot NAO nhảy theo bài I’m your của Jason Mra; hay các thí nghiệm liên quan đến khí Nitơ lỏng để làm bông hoa hồng đóng băng, làm kem ngay tức thì, dùng chuối đóng đinh,…
Không chỉ vậy, các em học sinh còn được lập trình robot, tạo ra điện từ những thứ đồ ăn hàng ngày rất dễ kiếm; được trải nghiệm chơi nhạc bằng những quả cà tím….Những điều kì diệu này đã có trong Ngày hội STEM, diễn ra cả ngày hôm nay 14/5 thu hút hơn 2.000 học sinh đến dự.
Vừa bước ra khỏi khu vực lớp học trải nghiệm STEM về năng lượng điện và cách tạo ra điện từ một số thức ăn, các trò chơi với điện, Ngô Thùy Linh – học sinh lớp 4 Trường tiểu học Yết Kiêu, quận Hà Đông hồ hởi khoe: “Trong buổi sáng nay, em được học hai ca, một là lớp học Trải nghiệm Kappla – Thế giới của những viên gạch gỗ. Với những viên gạch gỗ được cho sẵn, dưới sự hướng dẫn của anh chị sinh viên, nhóm chúng em thực hiện theo yêu cầu lắp ghép thành ngôi nhà. Trải nghiệm này giúp con hình thành tư duy sáng tạo và tính kiên nhẫn”.
Nhưng đây là lần đầu tiên trong cuộc đời, Thùy Linh và các bạn học sinh tiểu học được hướng dẫn cách tạo ra năng lượng điện từ củ khoai tây, quả cam, quả quýt… – nguyên liệu rất dễ kiếm trong cuộc sống hàng ngày. Linh và những người bạn của mình vui sướng lắm. “Con chưa từng nghĩ, mình có thể tạo ra được điện. Con luôn nghĩ điện được làm từ nhà máy điện, nhưng không hẳn thế. Bây giờ, nếu nhà mình mất điện, con đã biết cách làm thế nào để có ánh sáng”. Vì thế, bé Linh rất muốn trong trường tiểu học của em có những giờ trải nghiệm sáng tạo để giúp hình thành cách làm việc nhóm, tư duy sáng tạo, thay vì học lý thuyết nhàm chán.
Trong khi Thùy Linh và nhiều người bạn chưa hết ngạc nhiên về những điều thú vị được trải nghiệm trong Ngày hội STEM, Bùi Thái Hoàng – học sinh lớp 5 Trường tiểu học Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm tin tưởng mình lắp ráp được con robot sau một buổi học. “Từ nhỏ con đã mơ ước trở thành nhà khoa học để chế tạo robot. Hôm nay, con rất hào hứng tham gia trò chơi biểu diễn cùng robot”. Chị Vũ Thị Hải Hà – mẹ của Thái Hoàng cho hay: “Ở nhà con có xem một số chương trình lập trình robot trên youtube và tự làm một số thí dụ đơn giản. Thí nghiệm về khí nito lỏng hôm nay, con cũng đã tự mua nguyên liệu về nhà làm thành chất dẻo thần kỳ tạo ra được nhiều hình khác nhau. Hôm nay đến đây được trải nghiệm thực tế thí nghiệm về nitơ, lập trình robot thì con rất thích”.
“Nếu STEM được dạy trong nhà trường thì rất tốt cho các con. Hiện nay, học sinh cấp hai mới được làm quen với thí nghiệm hóa, lý, còn trường tiểu học thì chưa. Tôi hy vọng, sắp tới, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ GD&ĐT được áp dụng, các con sẽ quen dần với cách học STEM thông qua môn học Trải nghiệm sáng tạo” – chị Hà mong muốn.
Giáo dục STEM – mô hình giáo dục hiện đại, trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng lồng ghép liên quan đến khoa học, kỹ thuật, công nghệ, toán học. Người học không chỉ hiểu về nguyên lý mà con có thể áp dụng để thực hành tạo ra được những sản phẩm trong cuộc sống hàng ngày. Dạy học STEM giúp các em khả năng sáng tạo, tư duy khoa học để suy nghĩ khi đứng trước vấn đề khó khăn. Nhiều người cho rằng STEM rất xa lạ với học sinh tiểu học, nhưng anh Nguyễn Văn Thắng – thành viên Học viện Sáng tạo S3 phản biện: “Chúng tôi đã có một số chương trình dạy cho các trường. Kiến thức không quá khó với từng cấp học mà ở mức độ vừa phải. Nhưng chúng tôi lồng vào những thí nghiệm để các em tự làm việc nhóm với nhau, thuyết trình, trả lời câu hỏi. Chủ yếu của việc học STEM là giúp học sinh hình thành khả năng thực hành và tự làm việc.”
Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ THPT, Bộ GD&ĐT cho biết, Giáo dục STEM đã được đưa vào nhiệm vụ năm học của các sở GD&ĐT từ hai năm nay. Bộ GD&ĐT cũng kết hợp với Hội đồng Anh thí điểm Giáo dục STEM trong chương trình chính khoá ở 15 trường tiểu học và THCS. Chương trình giáo dục tổng thể sắp tới cũng “quán triệt” tinh thần giáo dục STEM, đưa phương thức giáo dục này sâu hơn vào chương trình chính khoá, thay vì câu lạc bộ khoa học ở các trường phổ thông.