Hackathon STEM IoT 2016: Rèm thông minh từ vật liệu tái chế giành giải nhất

26.06.2016
Sáng 25/6, 9 nhóm học sinh xuất sắc nhất đã tham gia vòng chung kết cuộc thi Hackathon STEM IoT 2016, tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam, với chủ đề “Hành tinh thông minh” tại Học viện STEM.
Phát biểu khai mạc cuộc thi, bà Phạm Thị Thu Hiền, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần DTT EduSpec cho biết: “Cuộc thi là một bước khởi đầu cho học sinh lứa tuổi 11-18 có sự trải nghiệm, có sân chơi và cơ hội làm quen với phương pháp học STEM – 1phương pháp học mới trong thế kỷ 21.Trong tương lai, Hackathon STEM IoT sẽ được tổ chức định kỳ tại các điểm Học viện STEM của công ty DTT EduSpec trên toàn quốc”.
Ông Nguyễn Thế Trung, Tổng giám đốc công ty Cổ phần DTT EduSpec đánh giá rất cao các đội tham gia vòng chung kết: “Các đội tham gia hôm nay đã chứng tỏ một điều nếu được hướng dẫn đúng cách thì các bạn nhỏ có thể lĩnh hội được rất nhanh (các đội thi có 10 ngày huấn luyện trước khi tham gia vòng chung kết-PV). Nhiều bạn tham gia mới chỉ là học sinh lớp 6, chưa được học khoa học bài bản nhưng các vấn đề phải giải quyết lại vô cùng thực tiễn, gắn liền với khoa học”.
Phần thi của đội Modern với sản phẩm Nhà kính thông minh thu hút được sự chú ý của không chỉ ban giám khảo mà còn của cả đông đảo khán giả. Mục đích của nhóm thiết kế là giảm tới mức tối đa lượng nhân công cần thiết để thực hiện những việc cơ bản trong chăm sóc cây trồng như tưới nước, quản lý nhiệt độ, độ ẩm, bảo vệ cây trồng bằng cách sử dụng các cảm biến đo nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng…
Thí sinh Nguyễn Thanh lớp 8 trường Phổ thông trung học Nguyễn Tất Thành, dự thi chung kết với sản phẩm Máy đo khí tượng thông minh cho biết: “Em cảm thấy khá tự hào vì tự mình có thể làm ra sản phẩm, tuy nhiên vẫn chưa hài lòng với sản phẩm lắm do còn nhiều hạn chế bởi thời gian chuẩn bị cho cuộc thi khá ngắn và bản thân thì chưa được học nhiều điều. Sau một thời gian học STEM, em cảm thấy mình tự tin và có hứng thú hơn với việc tạo ra những sản phẩm hữu ích”.

Nguyễn Thanh say sưa thuyết trình.
Gây ấn tượng nhất trong các sản phẩm tham dự là sản phẩm Rèm thông minh của 2 bạn Hoàng Hải –Thế Tôn, lớp 8 Toán trường Đoàn Thị Điểm. Rèm có thể đánh thức bạn dậy bằng tiếng chuông, tự đóng mở, đón ánh sáng mỗi khi thức giấc, có kèm thiết bị hẹn giờ thông minh, có khả năng đo nhiệt độ ngoài trời. Điều không kém phần ấn tượng là sản phẩm này hoàn toàn sử dụng nguyên liệu tái chế.
Không giấu nổi niềm tự hào khi con mới học lớp 6 mà đã có thể tạo ra được một sản phẩm có khả năng ứng dụng cao, chị Thúy Hiền, phụ huynh em Nguyễn Quang Minh lớp 6 trường THPT FPT, tham gia với sản phẩm Phần mềm điều khiển bộ cảm biến nhiệt độ cho biết: “Kiểu học STEM vừa học vừa chơi khiến các bé tiếp thu những kiến thức khoa học vô cùng tự nhiên. Trong thời gian tới, chị sẽ tiếp tục cho con tham gia các lớp học STEM để có thể tạo ra được nhiều sản phẩm hữu ích”.
Sauk hi thuyết trình và trả lời câu hỏi của ban giám khảo, điểm của các đội tham dự sẽ được tính dựa trên điểm ban giám khảo và điểm các đội thu được từ các lượt share và like trên Facebook.
Giải 3 của cuộc thi được trao cho 3 đội: Nhóm Dream Team với sản phẩm Ngôi nhà thông minh; Nhóm Creeper với sản phẩm Phần mềm điều khiển bộ cảm biến nhiệt độ; Nhóm Technology với sản phẩm Mạch điện thông minh.
Giải nhì được trao cho nhóm Modern với sản phẩm Nhà kính thông minh; nhóm Brain Storm với sản phẩm Máy đo khí tượng thông minh.
Giải nhất được trao cho sản phẩm Rèm thông minh của nhóm Hoàng Hải-Thế Tôn.
Sau đây là một vài hình ảnh trong vòng chung kết cuộc thi:
Hai bạn Hoàng Hải và Thế Tôn giành giải nhất với sản phẩm Rèm thông minh.
Ông Đỗ Hoàng Sơn, giám đốc công ty Cổ phần văn hóa -giáo dục Minh Long trao giải cho các bạn đoạt giải nhì.
Ông Đỗ Văn Tuấn – trưởng phòng Công nghệ thông tin và Robotics Học viện STEM trao giải cho 3 đội đoạt giải 3.
Trao quà cho các bạn thí sinh tham dự vòng chung kết Hackathon STEM IoT 2016.
2 bạn Nguyễn Minh Châu và Phạm Trâm Anh của đội Technology đang thuyết trình cho sản phẩm của mình.

Bạn Vũ Quang Minh của đội Creeper say sưa thuyết trình cho sản phẩm.

Phần trình bày và trả lời câu hỏi của Nguyễn Thanh đội BrainStorm khá ấn tượng.

Thế Tôn giới thiệu nguyên lý hoạt động của Rèm thông minh.

Nguyễn Hoàng Dương với sản phầm Đèn ngủ mây.

Poster và mô hình của Nhà kính thông minh của đội Modern.

Ban giám khảo cuộc thi gồm 3 người: Ông Đỗ Hoàng Sơn – giám đốc Công ty Cổ phần văn hóa – giáo dục Minh Long, ông Đỗ Văn Tuấn – trưởng phòng công nghệ thông tin và robotics, học viện STEM và cuối cùng là bạn Đào Việt Tùng,Đào Việt Tùng – du học sinh Việt tại trường Hawaii Preparatory Academy giành giải Đặc biệtở cuộc thi khoa học công nghệ Tsukuba diễn ra ngày 27/3/2016.

Cuộc thi thu hút sự tham gia của rất nhiều học sinh, các em nhỏ và phụ huynh.