Cuộc thi Robothon Quốc gia 2013 lần đầu tiên diễn ra tại Đà Nẵng
01.11.2013(VTC News) - Ngày 3-11, tại Nhà thi đấu Quân khu 5, đường Duy Tân, TP. Đà Nẵng, sẽ diễn ra Cuộc thi Robothon Quốc gia 2013.
Cuộc thi năm nay được tổ chức bởi Liên doanh tập đoàn DTT-EDUSPEC phối hợp với Bộ GD&ĐT, nhằm kích lệ tinh thần học tập của học sinh cả nước đồng thời lựa chọn những đội tuyển xuất sắc nhất để chuẩn bị cho cuộc thi Robotics Quốc tế 2013 diễn ra vào cuối tháng 11 tại Thủ đô Manila, Philippines.
Theo ông Nguyễn Thế Trung, Tổng giám đốc Tập đoàn DTT cho biết, cuộc thi Robotics Quốc tế Digital Youth Award (DYA) dành cho học sinh cấp Tiểu học và Trung học cơ sở khu vực châu Á – Thái Bình Dương (DYA-Rfc) được tổ chức hàng năm tại các quốc gia.
Cuộc thi Robothon Quốc gia năm nay có sự tham gia của 48 đội tuyển, với 144 học sinh, đến từ nhiều câu lạc bộ Robotics của các trường tiểu học trong cả nước, do Liên doanh tập đoàn DTT-EDUSPEC tổ chức giảng dạy.
Mỗi cuộc thi có một chủ đề khác nhau, nhưng đều mang tính nhân văn và giải quyết các bài toán hiện thực của cuộc sống xã hội, môi trường tự nhiên, khám phá vũ trụ…
Được biết, các đội tuyển Robotics Việt Nam đã lần đầu tiên tham gia thi đấu Robotics Quốc tế ở Indonesia vào năm 2011.
Chủ đề cuộc thi Robothon Quốc gia 2013 tại Đà Nẵng năm nay là “Thành phố thông minh”.
Theo đó,một vấn đề được đặt ra là trong vài thập kỷ tới, đô thị sẽ phát triển rất nhanh chóng về quy mô và tốc độ, việc phát triển nhanh chóng của các đô thị kéo theo hang loạt vấn đề như xử lý các dòng dữ liệu khổng lồ từ các nguồn về thành phố và dân cư như: Thảm họa thiên nhiên và khí hậu, chi phí sinh hoạt, tỉ lệ tội phạm, giao thông, giáo dục và các khía cạnh khác.
Năm 2012, Ban tổ chức Cuộc thi Robotics Quốc tế DYA đã ủy quyền cho Tập đoàn DTT tổ chức Cuộc thi Robotics Quốc tế dành cho trẻ em giữa các nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Và lần đầu tiên một cuộc thi tầm cỡ về Robotics dành cho lứa tuổi thiếu nhi đã được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, tại Mỹ Đình. Đây không chỉ là vinh dự cho quốc gia, mà còn là bước đệm để Việt Nam bước vào thế giới của môn học sáng tạo robot.
Trong cuộc thi Robotics Quốc tế tại Mỹ Đình, có tổng số 53 đội, đến từ 5 nước, gồm Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Philippines, Singapore. Việt Nam góp mặt 14 đội tuyển, đến từ các trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Tiểu học Xuân Đỉnh (Hà Nội), Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP. Hồ Chí Minh).
Cuộc thi diễn ra với 2 nội dung. Các em nhỏ độ tuổi 6 – 9 thi đấu với nội dung mang tên “OCEANUS”. Độ tuổi 9 – 13 thi đấu với nội dung mang tên “TRITON”.
Phần thi OCEANUS có nhiệm vụ: Khôi phục lại nguồn khoáng sản biển; Kích hoạt máy định vị thủy âm; Đi theo đường mòn đến ABYSS; Triển khai các dữ liệu thăm dò vào ABYSS.
Phần thi TRITON có nhiệm vụ: Tham gia vào tua bin Thủy Triều (TIDAL); Thu thập nguồn cung cấp thức ăn; Điều chỉnh nguồn cung cấp ôxi; Khử muối nước biển.
Tuy mới chỉ tham gia học tập môn Robotics từ năm 2011 các đội tuyển Việt Nam đã cố gắng hết mình và được BGK đánh giá khá tiềm năng. Kết thúc giải đấu đội Việt Nam dành được 4 giải: Giải Sáng Tạo, Giải Tiềm Năng, Giải Đồng Đội và Giải Nỗ Lực )
Phát biểu tại lễ trao giải, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam Nguyễn Vinh Hiển chia sẻ, “mặc dù môn Robot mới được đưa vào Việt Nam trong vài năm qua và cũng chỉ mới có vài trường đào tạo ngoại khóa, song không thể phủ nhận đây là môn học phát huy tính sáng tạo, logic, giúp các em phát triển tư duy một cách toàn diện”
TS. Nguyễn Tuấn Hoa, ủy viên Hội đồng giáo dục ASEAN, chuyên gia công nghệ thông tin cho biết: “Theo dự báo trong vòng 20 năm nữa mỗi người sẽ có nhu cầu sử dụng ít nhất 1 robot cá nhân như cần 1 máy tính hiện nay. Robot sẽ là tâm điểm của một cuộc cách mạng lớn sau internet. Với xu thế này cùng với các ứng dụng truyền thống khác của robot trong công nghiệp, y tế, giáo dục đào tạo, giải trí và đặc biệt trong an ninh quốc phòng thì thị trường robot và các dịch vụ ăn theo robot sẽ vô cùng lớn.
Để có thể hội nhập và phát triển trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, Việt Nam buộc phải đi theo hướng phát triển robot, tự động hóa, cách mạng công nghệ… Do vậy, cần có một cộng đồng rộng lớn các chuyên gia có tâm huyết, có môi trường học tập và nghiên cứu lành mạnh, một chính sách vĩ mô hỗ trợ tri thức phát triển thích nghi được với quá trình “phẳng” hóa thế giới hiện nay”.
Với bài toán đặt ra như vậy, học sinh cần xây dựng giải pháp để giải quyết trước các vấn đề đặt ra, qua đó học sinh sẽ xây dựng một “Thành phố thông minh” mà ở đó có trung tâm chỉ huy mạng sẽ phân tích các dữ liệu được thu thập và hoạt động như một não bộ trung ương cho toàn thành phố. Hệ thống không dây cho phép các phương tiện và cơ sở hạ tầng tương tác để cải thiện tình trạng tắc nghẽn giao thông cũng như môi trường, theo dõi chặt chẽ việc ứng phó và ngăn chặn tội phạm. Đường truyền thông tin bằng tia laser sẽ truyền dữ liệu nhanh gấp 1000 lần so với sóng radio, và việc xây dựng bãi để xe trên không sẽ giúp cải thiện đáng kể tình trạng giao thông trong đô thị.
Và các đội tuyển sẽ sử dụng trí thông minh, tư duy sáng tạo của mình, để lắp ráp, cài đặt Robot nhằm giải quyết các vấn đề ban tổ chức đưa ra, đưa thành phố của mình trở thành một “Thành phố thông minh”.
Cuộc thi Robothon Quốc gia 2013, được tổ chức tại Đà Nẵng với chủ đề “Thành phố thông minh” vào ngày 3/11 tới đây, kỳ vọng sẽ khơi dậy phong trào học tập sáng tạo robot trên khắp đất nước. Qua đó, hy vọng học sinh sẽ có một môi trường học tập tích cực, ứng dụng môn tin học ngay từ lứa tuổi mầm non, tiểu học để hoàn thiện các kỹ năng học tập thế kỷ 21 và thể trở thành công dân toàn cầu trong tương lai.