24 đội tuyển Việt Nam tham gia Robotics Quốc tế tại Philippines
20.11.2013(VTC News) - Ngày 23-11-2013, Việt Nam có tới 24 đội tuyển, gồm 70 học sinh tham gia Cuộc thi Robotics Quốc tế 2103 tại Philippines.
Ngày 23-11-2013 tới đây, tại Grand Ballroom, The Bellevue Manila, Philippines, sẽ diễn ra Cuộc thi Robotics Quốc tế (DYA Robotics for Children) lần thứ 4.
Theo ông Nguyễn Thế Trung, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn DTT, hàng năm, tổ chức Digital Youth Awards (DYA) vẫn đứng ra tổ chức các cuộc thi robotics trong khu vực và thế giới cho các em ở độ tuổi tiểu học và trung học cơ sở.
Mỗi năm cuộc thi có một chủ đề khác nhau, nhưng đều mang tính nhân văn và giải quyết các bài toán hiện thực. Học sinh dự thi sẽ được lựa chọn từ các nước khác nhau thông qua các cuộc thi đấu cấp quốc gia.
Năm 2011, cuộc thi diễn ra ở Indonesia. Đây cũng là năm lần đầu tiên Việt Nam tham gia cuộc thi này. Các đội tuyển Việt Nam đến từ hai trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm và Tiểu học Ban Mai (Hà Nội) đã thể hiện khả năng học tập và tinh thần xuất sắc. Chỉ sau 3 tháng được tiếp cận với môn học hoàn toàn mới là lắp ráp và lập trình robot, thế nhưng, học sinh Việt Nam đã đoạt được giải Tiềm năng. Học sinh Việt Nam cũng được các chuyên gia quốc tế đánh giá cao.
Với thành tích đã đạt được của đội tuyển robotics Việt Nam trên đấu trường quốc tế, năm 2012, Ban tổ chức Cuộc thi Robotics Quốc tế DYA đã ủy quyền cho Tập đoàn DTT tổ chức Cuộc thi Robotic Quốc tế dành cho trẻ em giữa các nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Như vậy, lần đầu tiên một cuộc thi tầm cỡ về robotics giành cho lứa tuổi thiếu nhi sẽ được tổ chức tại Việt Nam. Đây không chỉ là vinh dự cho quốc gia, mà còn là bước đệm để Việt Nam bước vào thế giới của môn học sáng tạo robot.
Năm nay, để chuẩn bị cho Cuộc thi Robotics Quốc tế 2013 tại Philippines, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Liên doanh DTT-EDUSPEC, tổ chức Cuộc thi Robothon Quốc gia 2103, tại Đà Nẵng, để lựa chọn đội tuyển suất sắc, đưa ra đấu trường mang tầm quốc tế này.
Đã có 2 đội tuyển đoạt giải nhất trong cuộc thi này. Phần thi sơ cấp, giải nhất thuộc về đội tuyển đến từ trường Tiểu học Vietkids Hà Nội. Giải nhất cho phần thi trung cấp thuộc về đội tuyển Trần Cao Vân, đến từ Đà Nẵng, một trường mới đưa hoạt động giáo dục robotics vào giảng dạy từ năm nay.
Hai đội tuyển đoạt giải nhất sẽ được Liên doanh DTT-EDUSPEC tài trợ hoàn toàn chi phí cho chuyến thi đấu tại Philippines, trị giá 6.000USD (1.000USD/học sinh).
Mặc dù các đội tuyển khác không được tài trợ nhiều, phải tự bỏ một số chi phí, song cả nước vẫn có tới 24 đội tuyển, gồm 70 học sinh đăng ký tham dự Cuộc thi Robotics Quốc tế 2103 tại Phiippines.
Tham dự cuộc thi mang tầm quốc tế năm nay, đông đảo nhất là TP.HCM, gồm các đội tuyển đến từ trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Ngọc Hân, Đinh Tiên Hoàng, An Khánh. Hà Nội có các trường Đoàn Thị Điểm, Xuân Đỉnh, Mễ Trì B, Vietkids. Đà Nẵng có 2 trường là Trần Cao Vân và Huỳnh Ngọc Huệ tham gia giải đấu mang tầm quốc tế này. Các đội tuyển lên đường sang Philippines thi đấu đều là những đội tuyển xuất sắc nhất trong Cuộc thi Robothon Quốc gia 2013.
Xuất sắc vượt qua hàng chục đội tuyển tài năng trong Cuộc thi Robothon Quốc gia tại Đà Nẵng, các đội tuyển của Trường Tiểu học Xuân Đỉnh mang về 1 giải nhì, 2 giải ba và giải đồng đội sáng tạo. Với thành tích này, các đội tuyển đến từ Trường tiểu học Xuân Đỉnh đủ điều kiện sang Philippines thi đấu với các đội tuyển xuất sắc của khu vực và thế giới.
Để chuẩn bị cho Cuộc thi Robotics Quốc tế sắp tới tại Philippines, thầy trò đội tuyển trường Tiểu học Xuân Đỉnh đang cố gắng luyện tập nước rút. Mặc dù kinh phí đi Philippines thi đấu là khá lớn, nhưng thầy trò, các bậc phụ huynh vẫn quyết tâm tổ chức cho 3 đội tuyển, gồm 9 học sinh lên đường sang Philippines thi đấu.
Em Phạm Khánh Toàn, học sinh lớp 4A2 tiểu học Xuân Đỉnh bày tỏ khát vọng: “Chúng em rất mong muốn được sang Philippines thi đấu với các bạn. Chúng em biết các bạn nước ngoài được học robot từ lâu rồi và có kinh nghiệm trong đấu trường quốc tế, nhưng chúng em cũng đã được học robot hơn 1 năm nay và cũng đã thành thạo trong điều khiển robot. Mong ước của chúng em là mang lại vinh dự cho nhà trường, cho nước nhà”.
Bà Nguyễn Thị Bích Hằng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Xuân Đỉnh tâm sự: “Mặc dù các em chỉ là học sinh của ngôi trường làng mới lên phố, nhưng các em đã giành được chiến thắng vượt trội. Các em đã đem lại niềm vui lớn cho gia đình và vinh dự cho nhà trường, thầy cô. Sự thành công của các em là nguồn động viên lớn để các em khác, các đội tuyển khác trong trường phấn đấu cố gắng hơn nữa.
Mặc dù nguồn kinh phí nhà trường rất eo hẹp, hoàn cảnh gia đình các em cũng không khá giả, nhưng nhà trường và các bậc phụ huynh sẽ cố gắng hết sức để các em được ra đấu trường quốc tế. Biết đâu, các em lại mang vinh dự về cho đất nước”.
TS. Nguyễn Tuấn Hoa, ủy viên Hội đồng giáo dục ASEAN, chuyên gia công nghệ thông tin cho biết: “Theo dự báo trong vòng 20 năm nữa mỗi người sẽ có nhu cầu sử dụng ít nhất 1 robot cá nhân như cần 1 máy tính hiện nay. Robot sẽ là tâm điểm của một cuộc cách mạng lớn sau internet. Với xu thế này cùng với các ứng dụng truyền thống khác của robot trong công nghiệp, y tế, giáo dục đào tạo, giải trí và đặc biệt trong an ninh quốc phòng thì thị trường robot và các dịch vụ ăn theo robot sẽ vô cùng lớn.
Để có thể hội nhập và phát triển trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, Việt Nam buộc phải đi theo hướng phát triển robot, tự động hóa, cách mạng công nghệ… Do vậy, cần có một cộng đồng rộng lớn các chuyên gia có tâm huyết, có môi trường học tập và nghiên cứu lành mạnh, một chính sách vĩ mô hỗ trợ tri thức phát triển thích nghi được với quá trình “phẳng” hóa thế giới hiện nay.
Việc đưa hoạt động giáo dục robot vào các trường học là điều cần kíp, để chuẩn bị nguồn lực cho đất nước trong tương lai, để chúng ta có thể tiến từng bước vững chắc trong môi trường sáng tạo robot toàn cầu”.
Cuộc thi Robotics Quốc tế 2013 tại Philippines kỳ vọng sẽ khơi dậy phong trào học tập sáng tạo robot trên khắp đất nước. Qua đó, hy vọng học sinh sẽ có một môi trường học tập tích cực, ứng dụng công nghệ cao ngay từ lứa tuổi mầm non, tiểu học để hoàn thiện các kỹ năng học tập thế kỷ 21 và thể trở thành công dân toàn cầu trong tương lai.